Xách balo lên và đi du ngoạn những địa danh nổi tiếng in trên tờ tiền polymer Việt Nam
Nội dung bài viết
Đồng tiền Việt Nam không chỉ có mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn mang trong mình những biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng. Những hình ảnh in trên tờ tiền không chỉ tôn vinh mà còn quảng bá và giữ gìn các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tiêu biểu cho đất nước đại diện cho toàn dân tộc Việt Nam. Hãy cùng Miti khám phá tất tần tật những địa danh nổi tiếng in trên đồng tiền polymer Việt Nam qua bài viết dưới đây.
1. Tờ 10.000 Đồng: Mỏ Dầu Bạch Hổ, Vũng Tàu
Năm 2006, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành tờ 10.000 đồng chất liệu polymer. Hình ảnh trên tờ tiền này là cảnh khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ, nằm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145 km về phía Đông Nam. Mỏ Bạch Hổ là một trong những mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, với trữ lượng lên đến 300 triệu tấn.
PGS.TS Hoàng Văn Quý, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - thiết kế dầu khí biển cho biết: "Thành công lớn nhất, mang tính lịch sử đặc biệt nhất của ngành dầu khí Việt Nam chính là ở mỏ Bạch Hổ. Nó quyết định đến toàn cục thất bại hay phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Chính mũi khoan tìm thấy dòng dầu thương mại lớn ở mỏ Bạch Hổ ngày 6/9/1988 đã xóa tan quan điểm cũ rằng cứ khoan đến tầng đá móng mà không thấy dầu thì nghĩa là không có dầu. Từ đó, hơn 20 mỏ đã thành công và dầu thu được từ đá móng chiếm khoảng 70% tổng sản lượng thu được của toàn ngành dầu khí Việt Nam. Hệ thống hạ tầng hiện đại ở các dàn khoan dầu ngoài khơi sẽ cho bạn cái nhìn cực mới mẻ về thành phố biển Vũng Tàu.
2. Tờ 20.000 Đồng: Chùa Cầu, Hội An
Phát hành ngày 17/05/2006, tờ 20.000 đồng bằng polymer in hình Chùa Cầu ở Hội An, Quảng Nam. Chùa Cầu là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17 nên người dân nơi đây vẫn thường gọi là cầu Nhật Bản. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp.
Khi in lên tờ tiền 20.000đ, hình ảnh này lại gợi nhớ đến một Hoài Phố sầm uất, nơi có tàu thuyền lui tới tấp nập cùng dãy nhà mái ngói đỏ nằm san sát nhau. Chứa đựng nét đẹp văn hoá giao thoa Nhật Bản - Việt Nam, Chùa Cầu có chiều dài khoảng 18 mét - từng được Chúa Nguyễn Phúc Lai ngợi khen bằng ba chữ “Vãn Lai Kiều” (ý chỉ “Bạn Đến Từ Phương Xa”). Có lẽ cũng bởi lời vàng ngọc này mà cho đến hơn 400 năm sau, Chùa Cầu vẫn là địa điểm tham quan được du khách yêu mến khi đến Hội An.
3. Tờ 50.000 Đồng: Nghênh Lương Đình - Phu Văn Lâu, Huế
Tờ giấy bạc 50.000 đồng được phát hành 17/12/2003 và là tờ tiền polymer đầu tiên. Mặt sau của tờ tiền là phong cảnh Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu ở thành phố Huế. Được xây dựng vào năm 1852, Nghênh Lương Đình là nơi nghỉ chân của hoàng thân quốc thích An Nam từ triều Vua Tự Đức đến thời Vua Khải Định. Dù đã mai một ít nhiều trước sức nặng thời gian, Nghênh Lương Đình (hay Nghênh Lương Tạ) vẫn còn giữ được kiến trúc cổ kiểu phương đình 1 gian 3 chái; nền cao gần 1 mét, mái lợp ngói lưu ly vàng óng ánh. Đến Nghênh Lương Đình, du khách có thể thưởng thức tách trà và ngắm nhìn dòng sông Hương êm đềm.
Cách đó không xa, Phu Văn Lâu được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
4. Tờ 100.000 Đồng: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Tờ giấy bạc polymer 100.000 đồng được phát hành ngày 01/09/2004, in hình Khuê Văn Các, biểu trưng của Văn miếu - Quốc Tử giám. Dù có là “gà mờ” lịch sử, bạn chắc chắn cũng từng nghe danh Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các được xây vào năm 1805. Nằm ở phía Nam thành phố, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích kiêm điểm đến du lịch nổi tiếng Hà Thành. Được chia thành ba khu vực chính là Hồ Văn, Văn Miếu (điện thờ Khổng Tử) - Quốc Tử Giám và Vườn Giám, đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi “ươm mầm” nhiều danh nhân kiệt xuất phương Bắc. Ngoài ra, nơi đây còn là một khu di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hóa của Việt Nam, là một bằng chứng về sự đóng góp của Việt Nam vào nền văn minh Nho giáo trong khu vực và nền văn hóa mang ý nghĩa nhân văn của Thế giới.
Hình ảnh Khuê Văn Các đại diện cho Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói riêng và còn được lựa chọn làm biểu tượng cho đất thủ đô với lối kiến trúc khá riêng biệt. Đây là một lầu vuông tám mái, bốn mặt có cửa sổ vuông tròn được ví như “gác vẻ đẹp của sao Khuê”. Đến tận ngày nay, rất nhiều sĩ tử có thói quen đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu chuyện cho chuyện học tập, thi cử được hanh thông. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đại diện cho truyền thống tôn sư trọng đạo và nền giáo dục lâu đời của người Việt Nam.
5. Tờ 200.000 Đồng: Hòn Đỉnh Hương, Vịnh Hạ Long
Tờ 200.000đ được ra mắt vào ngày 30/08/2006. Bên cạnh sắc đỏ nâu chủ đạo, tờ tiền này còn gây ấn tượng bằng hình ảnh khối đá “siêu to khổng lồ” - tựa như lư hương lớn, đứng sừng sững giữa cảnh sơn thuỷ hữu tình. Nơi đây thực ra là Hòn Đỉnh Hương - “viên ngọc xanh” nổi tiếng ở Vịnh Hạ Long. Sở hữu hình dáng đặc biệt, Hòn Đỉnh Hương được người dân địa phương ví von như vật thiêng liêng cúng tế đất trời. Ngoài Hòn Đỉnh Hương, Vịnh Hạ Long còn là “nhà chung” của rất nhiều hòn đảo và hang đá vôi đặc sắc như Hòn Trống Mái, Hòn Thiên Nga, Hòn Con Vịt, Hòn Chó Đá…
Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được tạo nên bởi tạo hóa kỳ vĩ và sống động. Ngoài ra, Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học sinh thái biển với hàng nghìn động thực vật phong phú. Một lần đến với Hạ Long du khách nhận những cơn gió từ biển mát lạnh, mặt biển xanh có thể nhìn tới những thảm thực vật dưới lòng của đại dương.
6. Tờ 500.000 Đồng: Nhà Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Kim Liên
Phát hành vào ngày 17/12/2003, tờ 500.000đ được làm bằng chất liệu polyme với sắc màu xanh lơ pha tím sẫm. Là một người con của Dân tộc Việt Nam, chắc hẳn không ai là không biết đến ngôi nhà gỗ 5 gian ở Làng Sen, nơi gắn liền với thời thơ ấu của Bác Hồ - vị cha già kính yêu của Dân tộc. Làng Sen thuộc xã Kim Liên , huyện Nam Đàn , tỉnh Nghệ An và cho dù có trải qua cả thế kỷ nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với hình ảnh Bác vẫn được cất giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương cho mọi những thế hệ.
Hàng rào dâm bụt vào mùa nở đỏ rực tạo nên nét thơ mộng rất riêng, hàng cau dẫn vào cái sân nhỏ, căn nhà gỗ năm gian được lợp bằng tranh vẫn y nguyên vẻ mộc mạc như chính con người Bác. Ngôi nhà gắn liền với thuở niên thiếu, hình thành tư tưởng của Người trong vấn đề thời cuộc lúc bấy giờ. Nếu có cuộc hành trình ra đất Bắc, hãy dành cho mình nửa ngày để về thăm quê hương Bác, cảm nhận hương Sen thơm, ngắm lũy tre làng, hình ảnh ao làng gợi nhớ về một Việt Nam đậm đà bản sắc.
Ta-da, vậy là bạn đã được “giải ngố” về những địa danh nổi tiếng được in trên tiền Việt Nam rồi đấy. Mỗi nét đẹp của Việt Nam đều xứng đáng khi có mặt trên tờ tiền Việt Nam, và trên đây là những địa danh tiêu biểu đại diện cho đất nước Việt Nam xinh đẹp của chúng ta. Còn chần chờ gì mà chưa lên kế hoạch vi vu hết các địa điểm đặc biệt này nhỉ? Đừng quên ghé thăm Miti để săn vali, balo du lịch để chuẩn bị hành trang cho những chuyến du lịch thú vị này nhé.